
NHỮNG VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN
Dòng ký ức vẹn nguyên trong tâm trí, câu chuyện ngày đầu khởi nghiệp tại Hải Phòng - thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 được các “chứng nhân lịch sử” kể lại với tâm trạng bồi hồi.
Cuối những năm 80 thế kỷ 20
Ý định thành lập Ngân hàng MSB được manh nha trên cơ sở cổ đông thuộc các ngành kinh tế lớn của cả nước lúc bấy giờ như Hàng hải, Bưu chính viễn thông, Hàng không, Bảo hiểm, Công nghệ, Xuất nhập khẩu, May mặc. Lúc đó, thành phố Hải Phòng được ví như Thủ đô của nghành Hàng Hải, đây cũng là lý do hình thành Hội sở chính đầu tiên của Ngân hàng MSB
Ban trù bị thành lập Ngân hàng MSB lúc đó tề tựu những bậc đàn anh đáng kính như: Nguyễn Đình Lợi, Cao Đình Biên, Trần Hữu Bách, Trương Gia Bình (TGĐ FPT), Bùi Quang Ngọc (PTGĐ FPT)...
“Khi nghe anh Chu Quang Thứ phân tích về định hướng chiến lược của MSB, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng lĩnh vực Hàng Hải, tôi có cảm giác như Archimedes vừa phát hiện ra định luật đòn bẩy. Không ngần ngại, tôi lập tức nhận lời về MSB để phát triển mảng thanh toán quốc tế của Ngân hàng”, anh Vũ Đức Nhuận, cựu TGĐ MSB, bày tỏ.

CBNV Sumimoto
Cần Thơ


bước chân khai khá
Ngày 4/4/1991, Đại hội đồng Cổ đông đầu tiên đã quyệt định thông qua điều lệ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Maritime Bank (tiền thân của Ngân hàng MSB ngày nay).
Mùa hè năm 1991, giữa những ngày nóng như đổ lửa, tại tòa nhà trụ sở phong cách Pháp trên phố Điện Biên Phủ, Ngân hàng MSB chính thức khai trương.
Thời điểm đó, MSB là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam mang giấy phép hoạt động số 0001/NH-GP do Ngân hàng Nhà nước cấp, ngay sau khi Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính có hiệu lực với chủ sở hữu.
Để chuẩn bị cho quá trình thành lập của MSB, từ cuối năm 80 của thế kỷ XX, đội ngũ những người khởi sự đã tìm cách liên hệ với các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thiết lập mối quan hệ hữu nghị. Anh Chu Quang Thứ cùng với anh Trần Xuân Bách liên hệ với đại diện của Societe Generale - công ty dịch vụ Tài chính lớn của Châu Âu với lịch sử gần 200 năm hình thành để hỗ trợ MSB thiết lập quan hệ đối ngoại với Societe. Anh Vương Đình Lam còn sang tận Nhật Bản để thiết lập quan hệ đối ngoại với Sumitomo Bank - Ngân hàng lâu đời bậc nhất Nhật Bản, đây cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của MSB sau này.


thanh toán quốc tế - mũi nhọn xung kích
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ 20, trong khi Mỹ còn thực hiện cấm vận kinh tế với Việt Nam, tất các lệnh thanh toán có liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đều bị phong toả.
"Những năm đầu thực hiện thanh toán quốc tế, Telex là phương tiện xác nhận tin nhắn duy nhất có sẵn để chuyển tiền. Lúc đó chúng tôi mất thời gian vô cùng vì Telex có tốc độ thấp, không có một hệ thống mã thống nhất như SWIFT để đặt tên ngân hàng và mô tả các giao dịch. Mỗi lần làm đều phải cẩn thận kiểm tra lại bởi nếu không sẽ dễ dàng bị mắc lỗi”
Chị Tăng Thị Thanh Hải
Giám đốc Trung tâm Thanh toán Trong nước, nhớ lại
Để có thể triển khai hoạt động thanh toán quốc tế một cách bài bản, CBNV của Ngân hàng MSB lúc bấy giờ đã đến trực tiếp Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam để xin từng mẫu chứng từ. Thậm chí, buổi tối còn tranh thủ đến nhà ông Bùi Khẩn - chuyên gia đối ngoại lâu năm của Ngân hàng Ngoại thương đã nghỉ hưu để học hỏi kinh nghiệm và chép lại từng mẫu thư trong việc thiết lập quan hệ đối ngoại.
Tiếng Anh của sinh viên Việt Nam lúc đó còn bập bõm, nhưng nếu không có ngôn ngữ quốc tế này sẽ khó có thể hoàn thành công việc được giao phó.
Mò mẫm suốt ngày đêm để thảo các bức thư đề nghị thiết lập quan hệ đối ngoại, thảo các biểu phí, lúc đầu phải soạn cả mã khoá giao dịch, xây dựng chữ ký uỷ quyền…
Theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, ngay từ đầu đã phải làm Annual Report mà bản Interim Report đầu tiên in đen trắng, mọi người toát mồ hôi, lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi không biết phải làm thế nào. Cuối cùng một nhân sự bên Vosa đã đồng ý dịch hộ.
Hầu hết khoản chuyển tiền ký và đến của phòng Thanh toán quốc tế, trước hết là ký ngân của các hãng tàu đều được đảm bảo đúng thời hạn yêu cầu, hạn chế tối đa việc nộp chậm, tránh thiệt hại cho MSB cũng như cho khách hàng. Chỉ tính việc thu phi chuyển tiền và thực hiện các hoạt động thanh toán quốc tế, MSB tại Trụ sở đã có đủ kinh phí để duy trì hoạt động, đây cũng chính là bệ phóng để MSB đi lên.

chạy đua với thời gian
Ngay sau khi thành lập, Ban lãnh đạo Ngân hàng MSB cũng đã tính toán đến việc phát triển Sở giao dịch. Đồng thời MSB tiếp tục mở chi nhánh tại Hà Nội (19/8/1991), TP.HCM (15/12/1991), sau đó là Quảng Ninh (27/11/1992), Đà Nẵng (20/7/1993), Cần Thơ (15/11/1993). Vỏn vẹn 2 năm cho 5 chi nhánh trên khắp ba miền đất nước, có những kế hoạch khai trương phải lùi và thay đổi. Nếu gọi MSB khi đó là một con tàu, thì con tàu ấy đã chạy dài về phía Nam khám phá những miền đất mới nhờ những người lái tàu kiên cường.
Câu chuyện về bài toán nhân sự tại các chi nhánh là một trở ngại không nhỏ đối với Ban Lãnh đạo ngân hàng. Cùng với việc hiện diện ở nhiều vùng đất mới, nhân sự MSB tăng cường được tuyển dụng, đào tạo tại Hội sở, sau đó được cử đi thực địa tại địa phương. Những người được phân công công tác tại các chi nhánh thời điểm đó cũng đều chung cảm xúc bồi hồi “vừa mừng, vừa tủi”. Một phần vì phải xa nhà “chưa hẹn ngày về”, một phần vì có những cơ hội mới đang chờ đợi phía trước. “Cho đến mãi sau này, tôi vẫn luôn động viên anh em rằng, có điều kiện đi công tác hãy cứ đi để trưởng thành hơn. Được làm việc trực tiếp, được nâng cao nghiệp vụ và thông thạo địa bàn sẽ giúp con người thành công nhanh hơn”, anh Nguyễn Hoàng An, Phó Chủ tịch HĐQT, bày tỏ.
Năm 1995, Trung tâm Điều hành MSB ra đời - MSB trở thành ngân hàng đâu tiên áp dụng mô hình tổ chức tách biệt giữa Hội sở và Trung tâm điều hành. Những bộ phận không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh chuyển thành địa điểm làm việc sang số 2a-2b Trần Quang Khải. Hội sở chính trực tiếp đảm nhận các hoạt động giao dịch kinh doanh, khách hàng ra vào liên tục còn Trung tâm Điều hành đảm nhận nhiệm vụ quản lý điều hành Hệ thống
Những ngày đầu gian khó đã qua, Ngân hàng MSB đã lớn lên theo sự phát triển của đất nước. MSB không chỉ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà còn mang đúng giá trị của một ngân hàng tiên phong không ngại khó, ngại khổ để học hỏi, xây dựng và mở ra những cơ hội mới để người MSB thêm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn.