Những dấu ấn công nghệ
của MSB
Ngân hàng đầu tiên thực hiện được việc chuyển tiền qua hệ thống CNTT trên toàn lãnh thổ, một trong hai TMCP tại thời điểm đó thực hiện triển khai hệ thống Core banking sử dụng nguồn vốn tài trợ của World Bank… dấu ấn của MSB chính là mong ước của nhiều ngân hàng lúc bấy giờ. Thế nhưng, khát vọng chinh phục tầm cao mới của người MSB còn lớn hơn thế, và trong suốt ba thập kỷ qua, lớp người sau tiếp nối tinh thần, ý chí của lớp người trước, để chinh phục giấc mơ lớn lao hơn về công nghệ.
“ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU” CÔNG NGHỆ SỐ
Ngay từ thời kỳ sơ khai mới thành lập, MSB đã ghi dấu ấn trong ngành ngân hàng Việt Nam khi tiên phong ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại. Ngân hàng chủ động mời công ty công nghệ FPT (tập đoàn FPT sau này) tham gia với tư cách cổ đông sáng lập. Đồng thời, anh Hoàng Kiện (sĩ quan quân đội về Tin học) được mời làm tổ trưởng tổ tin học của ngân hàng (tiền thân của Khối CNTT MSB hôm nay).
Tại thời điểm bắt đầu, MSB đã sử dụng hạ tầng công nghệ mới nhất. Hệ thống mạng LAN được sử dụng kết nối tập trung qua HUB, khi đó, công nghệ tại Việt Nam chỉ đang là kết nối mạch vòng BNC. Phần mềm quản trị Ngân hàng dùng công nghệ FoxPro (nâng cấp từ FoxBase) với phiên bản dùng cho các ngân hàng nước ngoài thời điểm đó do FPT triển khai.
Trong khi chưa ai mường tượng rõ khái niệm dữ liệu tập trung thì MSB đã thiết lập một mạng WAN giả lập để nhận thông tin cục bộ từ các nơi trên cả nước, tổng hợp thành dữ liệu tập trung bán tự động đầu tiên. Đây được xem là công nghệ mới thời điểm đó giúp cập nhật dữ liệu từ chi nhánh về Trụ sở chính nhanh nhất.
Trong điều kiện các ngân hàng “cây đa cây đề” thời bấy giờ chuyển tiến đi các tỉnh, thành phố khác mất vài ngày thì MSB chuyển tiền đi chỉ trong vài phút, trở thành ngân hàng thanh toán trong nước nhanh nhất.
Kết quả đó là nhờ những sáng tạo đột phá của MSB. Ngân hàng đã dùng card truyền tin của Intel để lập trình. Dữ liệu do cán bộ CNTT của MSB tạo ra trên hệ thống phần mềm được đưa vào các hàng đợi để định tuyến đi từng nơi. Phần mềm định kỳ quét thông tin và tự động kết nối qua đường dây điện thoại với thông tin mã hóa. Đến đầu nhận, gói tin sẽ được đưa vào thư mục phù hợp và hệ thống phần mềm của đầu nhận cũng tự động cập nhanh vào cơ sở dữ liệu. Như vậy, việc chuyển tiền chỉ phụ thuộc vào chu kỳ quét điện và cập nhật của phần mềm. Nhờ vào những tiến bộ này mà MSB tận dụng được nguồn vốn tốt hơn so với các ngân hàng khác ở thởi điểm đó.
Ở lĩnh vực thanh toán quốc tế, cùng với Vietcombank, MSB được cấp giấy phép “hoạt động kinh doanh Ngân hàng đối ngoại”. Với phần mềm ban đầu, các nhân viên CNTT tại MSB đã lập trình để tạo các điện từ chuyển tiền đến tài trợ thương mại … đạt được tiêu chuẩn SWIFT, giúp tự động hóa hoạt động thanh toán quốc tế. Với đòi hỏi bảo mật, SWIFT chỉ cho một số quốc gia công nghệ cao như Hongkong, Singapore hỗ trợ. MSB lúc đó đã đầu tư hệ thốn máy mini RS600 của IBM để kết nối hệ thống SWIFT, đồng thời triển khai đào tạo cán bộ CNTT ở nước ngoài và thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo tại chỗ.
Anh Anh Hoàng Kiện
CIO đầu tiên của MSB
Tổng Giám đốc Silverlake
trong lễ khánh thành dự án
hiện đại hoá MSB
Anh PHẠM QUỐC ĐÔNG
Giám đốc Dự án Hiện đại hóa
Anh NGUYỄN DUY KHƯƠNG
CIO giai đoạn hiện đại hóa
Hệ thống kết nối SWIFT của MSB do Trung tâm Tin học và Công nghệ Ngân hàng MSB vận hành và được hội nhập được mạng lưới SWIFT quốc tế từ thập kỷ 90 thế kỷ trước. Đây là một dấu ấn nâng tầm MSB trở thành ngân hàng chuyên nghiệp quốc tế.
Cùng với thành công có tính đột phá và hiệu quả kinh doanh cao, MSB được Ngân hàng thế giới - World Bank, Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia dự án hiện đại hoá Ngân hàng Việt Nam của Ngân hàng Thế giới lúc bấy giờ. Công nghệ MSB lựa chọn để xây dựng hệ thống Core Banking mở, có xuất xứ từ Mỹ. Dự án có sự tham gia của Giám đốc dự án - Phạm Quốc Đông (Phó TGĐ kiêm nhiệm), Trưởng ban Quản lý - anh Đỗ Trung và Trưởng phòng CNTT - anh Nguyễn Duy Khương. Các khóa đào tạo về IT và quản lý Ngân hàng hiện đại đồng loạt được triển khai ở trong nước và nước ngoài (Malaysia, USA ) để đảm bảo vận tiếp nhận, khai thác và vận hành hệ thống được tốt nhất.
Việc lựa chọn công nghệ và đào tạo kiến thức ngân hàng hiện đại của thế giới đã tạo ra một lớp cán bộ chiến lược, chủ động hội nhập quốc tế cho MSB nói riêng (như anh Nguyễn Hoàng Linh, anh Trần Xuân Quảng…) và cho cả hệ thống ngân hàng.
Dự án được coi là thành công nhất trong 6 tiểu dự án NHTM tham gia, được World Bank và Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao, coi đây là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt vì dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Thành công này đã tạo hiệu ứng Domino cho hàng loạt Ngân hàng Việt Nam thay đổi tư duy vào những năm 2002-2003, loại bỏ hệ thống cũ để xây dựng hệ thống mới theo tiêu chuẩn quốc tế.
“NỖ LỰC VIẾT TIẾP GIẤC MƠ CÔNG NGHỆ”
MSB đã có những thay đổi ấn tượng nhờ công nghệ suốt ba thập kỷ, đó cũng chính là nhờ bàn tay, khối óc của các thế hệ CBNV. Dù bén duyên với MSB ở những thời điểm khác nhau, các bạn vẫn chung một tinh thần “Không ngừng nỗ lực, thay đổi, sáng tạo để viết tiếp giấc mơ công nghệ, mang đến cho ngân hàng sự phát triển vượt trội”.
Ở giai đoạn sau này, khi công nghệ thay đổi mạnh mẽ hơn, MSB cũng có những bước tiến lớn khi chuyển mô hình từ phân tán sang tập trung giai đoạn 2010-2013. Nhiều ứng dụng công nghệ mới được đưa vào hỗ trợ phát triển kinh doanh trong thời kỳ này.
“Năm 2010, thời điểm MSB bắt đầu làm việc với McKinsey về các thay đổi các sản phẩm giao dịch mới của ngân hàng với mong muốn một sản phẩm M1, khi đó McKinsey yêu cầu phải có một sản phẩm gồm toàn bộ dịch vụ về internet, mobile banking… trong đó có nhiều dịch vụ mà MSB chưa có. Thế nhưng, nếu như MSB không đưa được sản phẩm cho khách hàng thì sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngân hàng, bao gồm cả chi phí tư vấn và chi phí trả chậm”, anh Nguyễn Quốc Khánh, GĐ Khối Công nghệ MSB, nhớ lại.
Hiểu rõ tầm quan trọng của dự án lần này, Ban Lãnh đạo bày tỏ mong muốn trong vòng một tháng hệ thống liên quan đến dữ liệu điện tử của ngân hàng phải xong. Thách thức này đặt ra cho Khối Công Nghệ áp lực không nhỏ về mặt thời gian. Ngay lập tức, toàn bộ công việc được triển khai gấp rút. Ở MSB, giai đoạn đó toàn bộ anh em Khối Công Nghệ đã làm việc với hơn 200% năng lượng, không phân biệt ngày đêm, nỗ lực chạy đua với những deadline đã cam kết. Đó cũng là điều mà trong suốt những năm qua Khối Công nghệ vẫn luôn cảm thấy tự hào khi có một đội ngũ có trách nhiệm và luôn tận lực với mọi nhiệm vụ được giao.
Nhờ vậy, chỉ trong khoảng 5 tuần, toàn bộ hệ thống các sản phẩm để có thể cung cấp được sản phẩm M1 gồm thẻ trả trước, internet banking… đã được hoàn chỉnh, sản phẩm được launching đúng hạn. Cả đội vỡ òa cảm xúc, bởi dự án lần này như một cuộc “chạy đua marathon” mà ở đó chiến thắng đã giành cho những người nỗ lực nhất.
Năm 2012, MSB trở thành ngân hàng đầu tiên đưa vào hoạt động hệ thống quản lý giao dịch nguồn vốn hiện đại tại Việt Nam (hệ thống Kondor), một bước tiến rõ rệt so với các ngân hàng quy mô khác. Đồng thời, MSB đã đưa vào hoạt động hệ thống Internet/Mobile Banking mới cung cấp trải nghiệm đồng nhất trên Internet và Mobile cho khách hàng trên nền tảng công nghệ IBM, điều mà nhiều ngân hàng lớn khác tại Việt Nam phải mất 5-7 năm sau mới thực hiện được.
Trước đó, chưa ai từng nghĩ đến việc có thể thanh toán các chi phí một cách thuận lợi thông qua 4.500 điểm giao dịch trên toàn quốc, hay thanh toán nhanh chóng khi mua hàng tại các website trực tuyến. MSB trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam liên kết tính năng M-QR cùng lúc với hai cổng thanh toán lớn nhất tại Việt Nam là VNPay và Payoo. Ngân hàng cũng tiên phong trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xác minh và phê duyệt hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng của khách hàng. Khách hàng sẽ có thẻ trong vòng 24 giờ và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Dấu ấn công nghệ của MSB luôn gắn liền với các lãnh đạo của MSB dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; linh hoạt quyết liệt trong công việc. Tính đến năm 2020, tại MSB đã đưa vào sử dụng gần 230 ứng dụng với nhiều công nghệ mới hiện đại (Cloud, Machine Learning, AI, Low code, vv…). Khối Công nghệ của MSB luôn trong tâm thế sẵn sàng cho sự chuyển đổi, với 02 dự án lớn sắp triển khai: dự án Digital Factory (DF) và dự án Core banking. Đây cũng là các dự án có tính chiến lược định hình hoạt động của MSB trong thời gian 10-15 năm tới.